Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có công văn loại trừ một số đối tượng vay liên quan đến bất động sản (BĐS) ra khỏi dư nợ cho vay phi sản xuất. Đây là thông tin mà thị trường BĐS đang chờ đợi.
Xác định lại đối tượng phi sản xuất
NHNN yêu cầu các NH tiếp tục thực hiện biện pháp kiểm soát hoạt động cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất; thống kê dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất gửi NHNN chậm nhất vào ngày 12 tháng tiếp theo tháng báo cáo. Để xác định tỷ trọng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ cho vay, NH được loại trừ dư nợ cho vay đối với một số nhu cầu vốn phục vụ tiêu dùng bao gồm nhu cầu vốn để sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay.
Đối với dư nợ cho vay để đầu tư, kinh doanh bất động sản, bao gồm xây dựng nhà để bán, cho người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất, khu kinh tế thuê; xây dựng nhà ở cho công nhân KCN nhưng không thu tiền thuê nhà hoặc thu tiền thuê với giá không vượt quá mức giá do UBND tỉnh ban hành kèm thêm điều kiện; hoàn thiện các dự án phát triển nhà ở được bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 1.1.2012 theo nội dung hợp đồng trong hoạt động xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng thuê tài sản.
NHNN còn yêu cầu các NH đáp ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế với mức lãi suất hợp lý trên cơ sở khả năng huy động vốn của NH, bố trí nguồn vốn đáp ứng kịp thời các nhu cầu vay vốn tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, nhất là các hộ dân sản xuất lúa vụ mùa đông xuân, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và cho vay vốn lưu động đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trường hợp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực này làm cho tăng trưởng tín dụng cả năm 2011 vượt 20%, thì báo cáo NHNN xem xét.
Vừa vui vừa lo
Quy định này là tin vui đối với người dân đang có nhu cầu nhà ở vì họ đã có thể tiếp cận nguồn vốn vay NH. NH có tỷ trọng dư nợ phi sản xuất trong tổng dư nợ cao cũng có điều kiện để giảm xuống. Theo lộ trình của NHNN, tỷ lệ dư nợ phi tín dụng của các NH sẽ giảm từ mức 20% của ngày 30.6 xuống 16% vào ngày 31.12.2011.
Đại diện Vietbank nhận xét đây là một thông tin tốt, những người có nhu cầu mua nhà sẽ có cơ hội tốt hơn khi tiếp cận được nguồn vốn từ NH trong bối cảnh thị trường BĐS đang có nhiều sản phẩm giá rẻ để lựa chọn. Nhu cầu người mua nhà tăng lên sẽ tác động tích cực hơn đến sự ảm đạm của thị trường BĐS thời gian qua.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM - nhận xét động thái nới lỏng tín dụng đối với 4 nhóm đối tượng BĐS của NHNN là thiết thực trong bối cảnh hết sức khó khăn của thị trường. Các doanh nghiệp BĐS chẳng những phải chịu lãi suất cao mà còn rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Người dân có nhu cầu sở hữu nhà ở thực sự cũng rất khó vay vốn. Điều này làm cho BĐS gặp khó khăn cả ở đầu vào lẫn đầu ra. Do đó, quy định mới sẽ giúp tạo ra một nguồn lực tài chính để hỗ trợ DN BĐS lẫn khách hàng, 2 nhóm đối tượng quan trọng nhất của thị trường BĐS. “Phân khúc nhà ở giá thấp, nhà cho công nhân cũng cần được khuyến khích. Chúng ta cần phải nhìn nhận BĐS có đóng góp rất lớn vào tăng trưởng GDP hằng năm của nền kinh tế và quan trọng hơn, nó đang tạo việc làm cho một lượng lớn lao động, là mắt xích quan trọng trong chuỗi tiêu thụ vật liệu xây dựng và các dịch vụ đi kèm” - ông Châu nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành - cũng cho rằng việc nới lỏng tín dụng BĐS của NHNN là rất đáng hoan nghênh. Tuy vậy, ông Đực góp ý NHNN cần xem lại việc cho vay đối với nhóm thứ 4 là xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 1.1.2012. Bởi chỉ còn 1 tháng rưỡi nữa là đến thời hạn này, tức là chỉ có những công trình hiện đã hoàn thành, đang sơn quét, trang trí mới có thể xong kịp. Những công trình dạng này trên thực tế không có nhu cầu vay vốn. Cho nên, việc NHNN đưa nhóm đối tượng trên vào chương trình cho vay là không khả thi. Ông Đực kiến nghị cho vay đối với các dự án có kế hoạch giao nhà cho khách hàng từ nay đến cuối năm 2012, hoặc các dự án đã hoàn thành được 50 - 70% khối lượng, như vậy sẽ hợp lý hơn.
Khó ở lãi suất
Ông Bùi Tấn Tài - Phó TGĐ ACB - cho biết: “Rào cản lớn nhất trong việc triển khai tín dụng đối với khách hàng cá nhân mua nhà, sửa chữa nhà hiện nay đó là lãi suất cho vay còn cao”. Theo phân tích của ông Tài, mặt bằng chung lãi suất cho vay phi sản xuất của các NH hiện nay đang ở mức từ 20 - 25%/năm, tại ACB từ 20,5 - 23%/năm. Khách hàng có thu nhập chủ yếu từ tiền lương sẽ khó kham nổi.
Thanh niên |